1. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ CHƯƠNG DƯƠNG
Chương Dương là xã nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km (theo đê hữu ngạn Sông Hồng), cách trung tâm huyện khoảng 7km theo đường tỉnh lộ 427 (đường 71 cũ). Xã Chương Dương ngày nay gồm 3 thôn: Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc, phía Đông giáp sông Hồng và xã Tự Nhiên; phía Tây giáp xã Quất Động; phía Bắc giáp xã Thư Phú và xã Vân Tảo; phía Nam giáp xã Lê Lợi.
Xã có diện tích tự nhiên 419,78km2. Dân số của xã (tính đến 01/112/2020) gồm 1595 hộ với 5.950 nhân khẩu. Nhân dân trong xã là người Kinh, phần lớn theo đạo Phật. Từ giữa thế kỷ XIX, một số giáo sĩ phương Tây về truyền đạo nên một số dân theo đạo Thiên Chúa, lập nhà thờ. Nhân dân, lương cũng như giáo gồm các dòng họ: Lê, Đỗ, Đào, Phạm, Trịnh, Nguyễn, Lương, Tạ, Huỳnh, Triệu, Phan, Vũ .... đoàn kết, gắn bó cùng nhau chung sống, xây dựng và bảo vệ quê hương.
Chương Dương là xã có điều kiện thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Bến đò Chương Dương (Chương Dương Độ cũ) nằm bên bờ phải sông Hồng, đối ngạn với xã Hàm Tử thuộc huyện Đông Yên (nay là huyện Khoái Châu), tỉnh Hưng Yên. Phía trên bến Chương Dương là cảng Hồng Vân nằm trên đường thuỷ Bắc - Nam và cùng với bến Chương Dương là điểm trung chuyển nối Thường Tín với các xã thuộc tỉnh Hưng Yên. Đê sông Hồng được tu bổ, gia cố vững chắc, tạo thành đường giao thông trên bộ thuận lợi, song song với Quốc lộ 1. Ngoài ra, các tuyến đường bộ liên xã Chương Dương - Vân Tảo, Chương Dương - Quất Động và đoạn tỉnh lộ 427 nối tuyến đê sông Hồng với Quốc lộ 1, tạo cho Chương Dương nhiều thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế - văn hoá.
Với những đặc điểm đó, xã Chương Dương là một địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một địa bàn quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Làng Chương Dương vốn là vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng, vào thế kỷ thứ X còn là một vùng hoang vắng, dân cư thưa thớt, mang tên Chân Giang (nằm kề bên sông). Tuy là vùng đất hoang sơ, nhưng nơi đây đã là một tụ điểm quần cư của người Việt. Thời ấy, đê sông Hồng chưa được tôn cao, khi nước lên đồng ruộng bị ngập lụt, song vào mùa Thu nước rút, nhân dân trồng cấy trên các bãi bồi mầu mỡ. Sử cũ chép rằng, sau chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán xâm lược trên sông Bạch Đằng cuối năm 938, kết thúc hoàn toàn thời kỳ bị nước ngoài đô hộ, kéo dài hơn nghìn năm, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc thì Ngô Xương Văn - người kế tục Ngô Quyền, đem đất này phong cho Dương Tam Kha, một võ tướng có công lớn trong trận Bạch Đằng, làm đất ăn lộc và ban cho Dương Tam Kha tước Chương Dương Công. Dương Tam Kha đã có công tổ chức nhân dân khai hoang, cải tạo, biến vùng đất hoang vắng thành vùng đất giàu có, đông dân với tên ấp Chương Dương. Từ đó vùng quê Chương Dương không ngừng phát triển, qua hơn 10 thế kỷ cho đến nay. Từ vùng đất Chương Dương, người dân tiếp tục khai khẩn đất hoang, mở mang xây dựng làng xóm ngày càng giàu đẹp.
Theo thần tích, sắc phong các đình, chùa, đền, miếu còn lưu giữ, làng Kỳ Dương được hình thành vào thế kỷ XVII. Do quá trình biến đổi của thiên nhiên, sau những năm lũ, lụt, cùng với đất phù sa bồi lắng, do nhu cầu phát triển của sản xuất, bảo đảm đời sống, một số cư dân làng Chương Dương và các làng lân cận trong vùng đến đây khai phá đất hoang, dần tạo lập thành làng với tên gọi Kỳ Dương.
Chương Lộc là tên một làng cổ, có từ buổi đầu dựng nước, theo thần phả, sắc phong trong đình, chùa của làng và các cụ cao tuổi trong làng kể lại thì tổ tiên của làng xưa kia nằm ở vị trí làng Vĩnh Lộc ngày nay. Do quá trình biến đổi của thiên nhiên như: lũ, lụt, vỡ đê...vùng đất Chương lộc ngày nay được phù sa bồi lắng, đất đai màu mỡ, dân cư từ làng cổ về đây khai phá, mở mang vào khoảng đầu thế kỷ XVII với tên gọi trại Trầm, cách làng cổ chừng 3km. Từ làng cổ đến khai phá đất đai phải đi qua bến đò Trầm, sông Kim Ngưu. Để phù hợp với việc quản lý hành chính, cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân phong kiến chia Chương Lộc thành 2 làng: làng cổ được đổi tên là Vĩnh Lộc, trại Trầm được giữ nguyên tên là làng cổ Chương Lộc.
Cuối thế kỷ XIX (thời Pháp thuộc), Chương Dương (Chân Giang), Chương Lộc, Kỳ Dương là những xã riêng, cùng với các xã Vĩnh Lộc, Thư Dương, Tự Nhiên, Yên Cảnh, Bộ Đầu, Cát Bi thuộc tổng Chương Dương, phủ Thường Tín.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Sau cuộc bầu cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, tháng 4/1946, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Đông quyết định sáp nhập các xã Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc, thành xã Chương Dương gồm 3 thôn: Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc.
Ngày 20/8/1948, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được sự nhất trí của Quốc hội và Chính phủ, Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Hà Đông quyết định sáp nhập các xã Chương Dương, Vĩnh Lộc, Thư Dương, Phú Mỹ và Tự Nhiên thành xã Quang Khải. Xã Quang Khải gồm 7 thôn: Chương Dương, Chương Lộc, Kỳ Dương, Thư Dương, Phú Mỹ, Vĩnh Lộc và Tự Nhiên.
Sau cải cách ruộng đất, vào giữa năm 1957 xã Quang Khải được tách thành hai xã: Quang Khải và Hồng Châu. Xã Quang Khải gồm các thôn: Thư Dương, Vĩnh Lộc, Phú Mỹ, Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc. Xã Hồng Châu là thôn Tự Nhiên cũ (sau đổi thành xã Tự Nhiên).
Tháng 2/1959, theo quyết định của trên, xã Quang Khải lại tách thành hai xã: Xã Quang Khải và xã Độc Lập. Xã Quang Khải gồm ba thôn: Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc. Xã Độc Lập gồm 3 thôn: Thư Dương, Vĩnh Lộc, Phú Mỹ.
Tháng 01/1971, theo sự chỉ đạo của trên, xã Quang Khải đổi tên thành xã Chương Dương, xã Độc Lập đổi tên thành xã Thư Phú. Theo Quyết định số 939/QĐ-UB, ngày 09/7/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây đã công nhận xã Chương Dương gồm ba thôn: Thôn Chương Dương, thôn Kỳ Dương và thôn Chương Lộc.
Như vậy, trải qua nhiều thế kỷ khai phá, mở mang tạo dựng làng xã, lại qua nhiều lần sáp nhập, chia tách, đổi tên, xã Chương Dương được hình thành và phát triển như ngày nay.
2. XÃ CHƯƠNG DƯƠNG - NHỮNG TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP
Các công trình nghiên cứu về cuộc sống của người Việt cổ cho thấy, ngay từ thời các vua Hùng dựng nước, người Việt đã trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng, nghề làm vườn trồng cây ăn quả, trồng mía, chăn tằm dệt lụa .... phát triển. Đồng đất Chương Dương nằm trên triền sông Hồng. Cùng với quá trình biến đổi của thiên nhiên, người dân nơi đây tập hợp trong các trang ấp, trải qua hàng trăm năm, vượt mọi gian khó, lao động quên mình, đoàn kết bên nhau chống lũ lụt, thú dữ, cải tạo đất đai, phát triển chăn nuôi, trồng trọt tạo ra của cải để sinh sống, xây dựng trang ấp, xóm làng. Trên sông nước, người dân quăng chài, kéo lưới đánh cá, vớt củi, chèo thuyền đưa khách sang sông Hồng. Bằng trí lực, cần cù, thông minh và lòng dũng cảm, từ tổ tiên thuở trước đến các thế hệ tiếp nối đã khai phá, mở mang biến rừng rậm, đầm lầy, gò đống và những vạt đất mới được bồi đắp thành làng xóm đông vui, đồng bãi màu mỡ để cấy trồng.
Bên cạnh nghề sống chính là cấy lúa và chăn nuôi gia súc, nhân dân xã Chương Dương có nhiều kinh nghiệm thâm canh cây mía, cây chuối cho năng suất cao. Ở các thôn có thêm nghề thêu, ren,... những công việc đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, tinh tế, trình độ thẩm mỹ. Nghề này ở xã Chương Dương có từ những năm cuối thế kỷ XIX, tới những năm 60 của thế kỷ XX thì phát triển khá mạnh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Ngoài ra, trong những năm 40 của thế kỷ trước, nhân dân Chương Dương còn phát triển các nghề đánh chim, đánh chúm, chăn tằm, dệt vải. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nhiều gia đình phát triển nghề trồng cây cảnh.
Quá trình lao động sản xuất, con người xã Chương Dương đã tạo dựng nên truyền thống “cần cù, sáng tạo trong lao động” và được phản ánh sinh động trong câu ca dao còn truyền tụng đến ngày nay:
Chẳng thơm cũng thể hoa lan
Chẳng chăm cũng thể Chương Dương hay làm.
Cũng như nhiều địa phương trong huyện Thường Tín, nhân dân xã Chương Dương giàu truyền thống yêu nước, dũng cảm, kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước; ý chí ngoan cường trong đấu tranh chống ách áp bức của bọn cường hào, ác bá dưới chế độ thực dân phong kiến. Thần tích xã Chương Dương còn nêu rõ công trạng của Hoằng Công diệt giặc, cứu nước, được nhân dân tôn thờ là thành hoàng làng cùng với Dương Tam Kha.
Lịch sử dân tộc mãi mãi sáng chói chiến công lừng lẫy của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII. Chiến thắng Chương Dương năm 1285 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Trong cuộc nam chinh lần thứ hai (1284 - 1285), quân Mông - Nguyên hung hãn tiến vào kinh đô Đại Việt, đóng nhiều đồn trại dọc hai bờ sông Hồng, tạo thành phòng tuyến phía Nam bảo vệ Thăng Long - đầu não chỉ huy của chúng, đồng thời tạo bàn đạp truy kích tìm diệt vương triều nhà Trần. Tại bến cổ Chương Dương (Chương Dương độ) quân giặc xây đồn, đắp luỹ làm căn cứ cho quân bộ và quân thuỷ của chúng.
Sau khi thắng lớn quân giặc tại Tây kết, Hàm Tử, các cánh quân của ta do các tướng Trần Quốc Toản, Chiêu Thành Vương, Nguyễn Khoái, Trần Nhật Duật chỉ huy kịp tới Chương Dương, phối hợp với lực lượng của các tướng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền và cánh quân do Thượng tướng Trần Quang Khải chỉ huy từ Thanh Hoá tiến ra, tiến công tiêu diệt lớn quân địch ở bến Chương Dương, thừa thắng, tiến thẳng vào Thăng Long, đuổi giặc khỏi kinh thành, tiến tới giải phóng toàn đất nước. Sách Việt sử thông giám của Triều Nguyễn đã viết: “Trận đánh thắng ở Chương Dương, thu phục được kinh thành là chiến công to nhất thời bấy giờ”. Nhân dân Chương Dương tự hào đã góp công tiếp tế lương ăn, trâu bò, cá đồng, hoa trái để nuôi quân, cử những thanh niên trai tráng xung vào các đội quân nhà Trần, tổ chức nơi trú quân và bảo vệ các đội quân hùng mạnh của ta.
Chiến tranh kết thúc, Thái sư Trần Quang Khải đã cảm khái viết lên những dòng thơ bất hủ:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san”
Dịch là:
“Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
Sống bên sông nước, từ xa xưa, trai tráng Chương Dương thường luyện bơi đánh trận giả, tập võ, tổ chức bơi trải trên sông Hồng những ngày lễ hội. Những hoạt động đó có tác dụng rèn luyện thể lực, ý chí và tinh thần dũng cảm, mưu trí của người dân, lúc bình thường thì tham gia bảo vệ đê điều, giữ yên làng xóm, khi có giặc thì sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước.
Vùng đất cổ Chương Dương xưa kia đã trên bến, dưới thuyền. Từ Thăng Long, theo đường thiên lý Bắc - Nam, về tới Thường Tín, người và xe có thể dễ dàng rẽ vào Chương Dương, hoặc theo đường sông Hồng, từ bến Chương Dương, tàu thuyền có thể lên thẳng bờ Đông kinh thành, như câu ca dao được lưu truyền trong dân:
Chương Dương một chiếc thuyền mây
Buồm anh rẽ sóng tới ngay kinh thành
Từ thuở Dương Tam Kha về khai khẩn, ăn lộc tại Chân Giang với tước phong Chương Dương Công và mối tình của ông với Mỹ Hoa công chúa đã trở thành truyền thuyết lưu truyền qua biết bao triều đại. Ở Chương Dương hiện còn lưu giữ một số bia đá, đại tự, câu đối, các thần phả, sắc phong, văn sớ tế cúng nói lên truyền thống hiếu học, chuộng võ, trân trọng tuổi già của một vùng quê văn hiến.
Bia Văn - Võ - Lão hợp tự bi ký nêu rõ: Từ thời Lý Chính Hoà (1680 - 1705) đến liên hiệu Cảnh Hưng (1740 -1786), ở Chương Dương đã có Văn Từ, Võ Chỉ. Đầu đời Tự Đức (1848), thành lập Hội “Lão”. Mùa Thu năm 1939, ba hội hợp tự cùng thờ Văn, Võ, Lão để cùng chung niệm công đức của người xưa, cùng phấn chấn ra sức mở mang quy củ trước đã gây dựng, làm cho quang cảnh sáng tươi, rực rỡ hẳn lên, người người chiêm ngưỡng, dấy lòng kính trọng.
Ngoài ra, còn các bia “Văn học tác hưng” (1704) nêu việc khôi phục lại nền văn học trong làng xã Chương Dương, cổ vũ ý chí học tập của con em trong xã, bia “Văn kỳ tại tự” (1823) đề cao việc ghi danh các vị tiên hiền của làng để thế hệ trẻ noi theo, chấn hưng đạo học; Bia “Đền thọ” (1864) ghi việc dựng đền “Thọ” và ghi phả “Thọ” làng Chương Dương, biểu thị lòng thành kính đối với các bậc kỳ lão, thể hiện ý thức trọng tuổi già. Đình Chương Dương còn ghi các bức hoành phi cổ, như: “Phong huy vạn tự” (phong tục, đạo đức tốt đẹp được phát huy, muôn đời tôn thờ) “Vạn cổ giang sơn” (Núi sông muôn đời bền vững).
Hệ thống đền, miếu, đình, chùa, những công trình văn hoá, lịch sử được nhân dân Chương Dương gìn giữ, tôn tạo, trùng tu, còn lại đến ngày nay. Ngoài đền thờ Dương Tam Kha còn có ba ngôi đình Thượng Thuỷ Cơ, đình Trung thờ Hoằng Công, có Văn chỉ của làng và Văn chỉ của cả tổng. Ba ngôi đền thờ Văn, thờ Võ, thờ Lão và ngôi đền thờ Văn - Võ - Lão. Đền Chương Dương thờ Thần Thượng đẳng tối linh Bột Hải hoàng đế và ba bà Tả hoàng hậu, Hữu Phi Nhân và Mỹ Hoa công chúa được xây dựng từ thế kỷ XI (thời Lý). Đình làng Kỳ Dương thờ Dương Linh Lang (con trai Dương Tam Kha), đình làng Chương Lộc thờ Tiên Dung Công chúa (con gái vua Hùng thứ XVIII). Chùa Chương Dương và các chùa Kỳ Dương, Chương Lộc được xây dựng từ thế kỷ XVII.
Là vùng quê giàu truyền thống hiếu học, xã có hai vị tiến sĩ được lưu danh tại bia Văn Miếu (Hà Nội) và lưu trên bia “Đại khoa liệt vị” tại xã. Đó là: Tiến sĩ Lương Mậu Huân và Tiến sĩ Đào Duy Doãn. Bia “Đại khoa liệt vị” còn ghi 16 vị đỗ trung khoa, từ cử nhân đến giám sinh, người Chương Dương.
Tiến sĩ Đào Duy Doãn là học trò của “Hồng Hà nữ sỹ” Đoàn Thị Điểm, nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XVIII
Người dân Chương Dương coi trọng lễ hội hằng năm, truyền thống ấy còn phát huy đến ngày nay. Lễ hội ở Chương Dương là “Xuân thu nhị kỳ”. Hằng năm vào ngày 10/02 (mùa Xuân) là giỗ mẹ (tức giỗ phu nhân của Dương Tam Kha), ngày 10/8 (mùa Thu) là giỗ cha (tức giỗ Dương Tam Kha) nhân dân Chương Dương đều tổ chức lễ hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng. Dân làng rước kiệu ra sông Hồng, lấy nước vào choé sứ đưa về đình làm nước thờ cúng cả năm. Phần hội với nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi. Nét đẹp ấy được phản ánh sinh động trong câu ca dao:
Chương Dương vào đám mồng mười
Trên đánh cờ người, dưới trải bơi thi.
Rõ ràng những di sản văn hóa phong phú của Chương Dương phản ánh những truyền thống tốt đẹp của quê hương: Lao động cần cù, sáng tạo; lòng yêu quê hương nồng nàn, sâu sắc, tinh thần đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm, chống cường quyền áp bức; truyền thống hiếu học, chuộng võ, trọng người cao tuổi, uống nước nhớ nguồn; truyền thống văn hoá, văn minh sông nước giàu trí tuệ, giàu tính nhân văn của một vùng quê hào hùng lịch sử, mảnh đất “Vạn cổ giang san” “Thắng địa do truyền”. Những truyền thống văn hoá đặc sắc, phong phú ấy góp phần tô thắm những truyền thống tốt đẹp của quê hương Thường Tín.